Thời xưa, đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã biết trồng bông, trồng đay, trồng lanh để dệt vải. Đây là một nghề truyền thống có từ rất lâu đời, mang đậm bản sắc văn hóa trong đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số. Tại huyện vùng cao Ba Bể, nghề dệt, đặc biệt là dệt thổ cẩm hiện vẫn được lớp người cao tuổi gìn giữ, trân trọng.
Lâu nay, bà Liêu Thị Lê ở thôn Pác Nghè 2, xã Địa Linh, huyện Ba Bể vốn được người ta biết đến như một người phụ nữ đảm đang, khéo léo và đặc biệt là rất giỏi trong việc dệt thổ cẩm. Đối với lớp trẻ ngày nay nghề dệt thổ cẩm đã không còn được lưu truyền, tuy nhiên đối với bà nghề dệt thổ cẩm vẫn là một nghề được yêu thích và được làm hàng ngày mỗi khi rảnh rỗi.Mặc dù năm nay đã ngoài 70 tuổi, sức khỏe đã kém đi nhiều song hàng ngày bà bà Lê vẫn miệt mài làm việc bên khung cửi dệt vải của mình. Tranh thủ những lúc nhàn rỗi, bà Lê lại ngồi dệt những chiếc mặt chăn, mặt địu bằng thổ cẩm vừa để bán cho những người khách quen, vừa là thú vui lúc tuổi già. Với kinh nghiệm hơn 20 năm trong nghề dệt cùng với đôi bàn tay khéo léo của mình, sản phẩm dệt của bà Lê luôn được các khách hàng tin dùng và ưa chuộng bởi sự giản đơn, không cầu kỳ nhưng lại rất bền và đẹp cùng sự tinh tế được thể hiện trên từng nét hoa văn.
Theo những người làm nghề dệt thổ cẩm lâu năm ở huyện Ba Bể thì ngày xưa hầu như nhà nào cũng có một khung cửi dệt, mọi đồ dùng từ váy, áo, gối, chăn và cả của hồi môn cho con gái khi về nhà chồng đều làm từ vải tự dệt. Để làm ra được một tấm vải phải mất rất nhiều thời gian, qua nhiều công đoạn, từ việc trồng bông, xe bông, quay sợi và dệt mới làm ra được sản phẩm thô. Bông thu hoạch về được phơi qua mấy nắng rồi đem cán để tách riêng phần hạt và phần bông. Sau khi bông đã được cán thì đem bật và kéo thành những cuộn sợi nhỏ, tiếp đó là hồ sợi, sau đó cuối cùng mới được đưa lên khung cửi để dệt ra những tấm vải. Muốn tạo được độ bền đẹp và chắc cho sản phẩm thì những người phụ nữ cũng cần phải kỳ công và có những bí quyết riêng.
Ngày xưa nghề dệt vải là một phần không thể thiếu trong đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc vùng cao. Những tấm vải được dệt thể hiện sự khéo léo tài hoa của người phụ nữ, là nơi gửi gắm ước mơ, khát vọng, cũng là nơi dệt nỗi nhớ thương, là linh hồn, là nét văn hoá vô cùng đặc sắc, thế nhưng ngày nay rất ít người còn lưu giữ được nghề này. Hiện nay trên địa bàn huyện Ba Bể chỉ còn 2 xã Nam Mẫu và Khang Ninh là còn lưu giữ được nghề dệt truyền thống, tuy nhiên cũng chỉ rải rác ở một số gia đình và chủ yếu là được gìn giữ trong lớp người cao tuổi. Ông Hoàng Văn Danh – Chủ tịch UBND xã Chu Hương, huyện Ba Bể cho biết: Trước đây nghề dệt thổ cẩm ở địa phương duy trì được tương đối lâu, thể hiện bản sắc dân tộc, tất nhiên không trở thành hàng hóa nhưng cũng phục vụ nhu cầu đời sống nhân dân ở địa phương. Tuy nhiên, trong mấy năm gần đây, việc dệt thổ cẩm trên địa phương không còn được duy trì và bị mai một đi, không duy trì được bản sắc dân tộc, đây cũng là một điều đáng tiếc cho địa phương.
Những năm trở lại đây, do ảnh hưởng từ nhiều luồng văn hóa du nhập vào đời sống của người dân, nhất là sự âu hóa trang phục của các dân tộc, tạo nên sự cạnh tranh giữa sản phẩm địa phương và các sản phẩm công nghiệp nên nghề dệt thổ cẩm không còn được thế hệ trẻ ưa chuộng. Mặt khác người làm nghề dệt thổ cẩm truyền thống ở vùng cao huyện Ba Bể còn gặp khó khăn về vốn, kỹ thuật nên sản phẩm chưa thật sự thu hút được người tiêu dùng. Để mưu sinh, nhiều người dân địa phương phải bỏ nghề dệt để chuyển sang các nghề khác. Do vậy để tiếp tục duy trì và phát triển nghề dệt vải, rất cần có những chính sách phát triển làng nghề, đầu tư thiết bị máy móc công nghệ mới, đào tạo nâng cao tay nghề cũng như mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm cho người dân. Điều đó không chỉ đơn thuần là bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của cư dân bản địa mà còn tạo việc làm, tăng thu nhập và góp phần xóa đói, giảm nghèo cho người dân.
CÔNG TY TNHH DỆT MAY NAM BẮC Địa chỉ: thị trấn Hóc Môn, huyện Hóc Môn, TP.HCM Chi nhánh: số 79 đường 429 phố Tia, Tô Hiệu , thường tín, Hà Nội |
ĐT: 094.88.44044 - 094.628.4488